"Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên bác Hồ"
Những câu thơ trên chắc hẳn đã rất quen thuộc với bất kì người dân Việt Nam nào, nhưng có mấy ai biết được đằng sau loài hoa đẹp thuần khiết kia là cả một sự tích cảm động được người dân nơi đây truyền miệng.
Ngày xưa ở một làng nọ có hai cô bé mồ côi cha mẹ. Hai em được một người hát xẩm đưa về nuôi. Ông dạy cho hai em các điệu múa bài hát. Một lần cô em bị ốm, cô chị đã đốt chiếc nhẫn quý của mình làm thành thuốc thần cứu sống em.
Càng lớn hai chị em càng trở nên xinh đẹp, hát hay múa giỏi nổi tiếng khắp vùng. Trong vùng có một tên công tử khét tiếng độc ác, làm mưa làm gió cả vùng. Nghe tiếng hai cô, hắn âm mưu bắt về làm vợ.
Một hôm người cha nuôi phải đi xa, ông hứa sẽ mua tặng mỗi con một món quà. Cô chị xin cha một đôi hài màu trắng thêu chỉ vàng, còn cô em xin cha một đôi hài hồng thêu chỉ vàng. Nhân lúc người cha vắng nhà, tên công tử đã cho người đến bắt cô chị về.
Để giữ trọn trinh tiết của mình cô gieo mình xuống hồ. Quá thương tâm, cô em cũng trầm mình theo chị. Khi người cha nuôi trở về không thấy con đâu, ông đi tìm hỏi và được biết chuyện.
Đột nhiên, ông ngửi thấy mùi hương thơm ngan ngát tỏa ra từ hồ và ông nhìn thấy trên mặt hồ những bông hoa màu trắng và hồng. Những cánh hoa xinh xinh tựa như dáng hài; ở giữa có nhụy vàng như những sợi chỉ thêu; những chiếc lá xòe to giống như những chiếc nón quai thao các cô thường đội; hương hoa tỏa thơm dịu dàng tinh khiết như tâm hồn hai chị em.
Quá đau buồn, người cha bật khóc. Bất chợt, hai cô con gái từ dưới hồ hiện ra và bước lên cạnh ông. Cô chị kể lại chuyện: "Khi hai chị em con gieo mình xuống hồ đã được bà chúa hồ thương tình dang tay đón lấy và cứu sống. Bà rất quý chúng con, muốn chúng con ở lại với bà nhưng chúng con xin được về nhà chăm sóc cha.
Bà đã đồng ý cho chúng con trở về với cha và tạo ra những đóa hoa kia tượng trưng cho hai chị em để bà luôn cảm thấy có hai con bên cạnh bà. Tên hoa là Hoa Sen".
Trên khắp đất nước Việt Nam, nhiều nơi cũng có hoa sen nhưng vẻ đẹp của hoa thì mỗi vùng mỗi khác. Sen Tháp Mười không giống như Sen ở Huế hay Hồ Tây, sen ở đây mang một vẻ đẹp nhẹ nhàng quyến rũ, búp dài hơn, cánh mỏng hơn và mang một màu hồng phớt nhẹ điểm nhấn là nhụy vàng tươi, hương thơm quyến rũ.
Du khách ghé thăm nơi đây, cũng muốn một lần tận mắt được nhìn thấy thể nào là "Tháp Mười đẹp nhất bông sen". Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là "Muốn ngắm sen, chụp ảnh sen, hòa mình vào không gian của sen thì phải làm như thế nào? Đến Tháp Mười thì phải tìm nơi nào có sen? Mùa nào sen sẽ đẹp? Đường đi như thế nào?"
Đồng Sen Tháp Mười - Nơi sen chính là sen Khu sinh thái Đồng Sen Tháp Mười cạnh khu di tích Gò Tháp linh thiêng là một nơi như thế. Đó là một không gian bạt ngàn sen trải dài hàng chục hecta, nơi chúng ta có thể lắng đọng và hít thở sâu vào lồng ngực để cảm nhận sự thanh khiết của loài hoa gần bùn nhưng chẳng tanh hôi mùi bùn.
Khu sinh thái Đồng Sen Tháp Mười muốn giữ lại sự nguyên vẹn của những đồng sen bằng những cách bố trí sắp không gian tuygiản đơn mà tinh tế. Du khách sẽ ngỡ mình đang ở một vùng đất Sen Hồng thở sơ khai, cách biệt với thế giới hiện đại ô nhiễm và tất bật.
Để đến với Đồng Sen Tháp Mười thì cũng thật dễ dàng, khoảng cách từ HCM về đây cũng chỉ khoảng tầm 120-130km.
- Từ HCM nếu đi xe ô tô bạn có thể đi Cao tốc HCM - Trung Lương sau đó rẽ về QL62 và đi thẳng về Thị trấn Mỹ An - huyện Tháp Mười sau đó rẽ vào đường TL 845 (8-9km) để đi về xã Mỹ Hòa là sẽ tới. Khu du lịch nằm bên cạnh Khu di tích Gò Tháp nên bạn có thể dễ dàng hỏi người dân địa phương về đường đi.
- Nếu dự định phượt một chuyến bạn có thể đi Bà Hom, rồi chạy đường N2 vẫn sẽ tới được QL62. Đường đi khá thông thoáng, không sợ CSGT nhiều mà cảnh 2 bên đường lại hết sức hoang sơ với những cánh đồng lúa xanh mướt nên hành trình có thể kéo dài hơn ... do phải dừng xe lại mà chụp ảnh
- Hoặc có thể dùng Google Maps để tìm đường Gò Tháp, xã Mỹ Hòa, Tháp Mười, Đồng Tháp
Quầy vé be bé, xinh xinh là nơi gửi đồ và giữ xe. Theo thông tin mới cập nhật, từ 09/09/2014 KDL bắt đầu bán vé cho du khách đến tham quan với giá vé: 15.000/người. Nhưng nếu du khách có sử dụng những dịch vụ và ăn uống tại KDL Đồng sen, tiền vé sẽ được trừ lại trong hóa đơn. Sau khi gửi xe, mua vé xong mọi người sẽ được đưa xuồng qua sông để đến với Khu du lịch. Tin vui là xuồng cũng khá to và có sẵn áo phao nên du khách không biết bơi cũng không sợ. Mặc dù là chưa đầy 1p30s là mọi người đã băng qua khúc sông bé tẹo và đến bờ bên kia
Bơi xuồng qua sông
Qua đến nơi, trải dài trước mắt là cả một đầm sen xanh ngút ngàn tầm mắt, những chòi lá đậm chất miền Tây Nam Bộ. Khác hẳn với không gian rộn rã và xô bồ ở bên ngoài, nơi đây nằm yên tĩnh và tách biệt mang đến cho mọi người cảm giác thật là thư thái và thoải mái.
Mách nhỏ là mọi người có thể chuẩn bị 1 bộ áo bà ba, áo dài, áo yếm và lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp khó quên
Tràm chim
Không chỉ nổi tiếng về sen. Ở nơi đây còn nổi tiếng vì có rất nhiều rừng tràm xanh ngút ngàn tầm mắt. Nhưng nổi tiếng nhất là rừng Tràm Chim, được thành lập năm 1985, khi các nhà khoa học phát hiện nơi đây có Sếu đầu đỏ quý hiếm sinh sống.
Nếu đến với Tràm Chim thì nên một lần ngắm bình minh kì diệu ở nơi đây. Cái khoảnh khắc mặt trời ửng đỏ như một qủa cầu lửa hiện lên từ phía chân trời đang xanh ngắt một màu. Cả một vùng sông nước chợt hồng lên, ánh nắng ban mai vàng đỏ hắt lên mặt nước bàng bạc hơi sương những mảng màu muôn vẻ: vàng tươi hồng cam, trắng sáng - một sự pha trộn màu sắc kỳ tài của tạo hóa.
Rồi một ngày mới ở vùng sông nước bắt đầu. Ở Tràm Chim không chỉ có vẻ đẹp của đồng lúa, ao sen mà còn phải kể đến vẻ đẹp của hoa súng. Bông hoa súng ở đây to gấp mấy lần bông súng thường. Hoa có cánh dày, xếp thành nhiều lớp, rất bề thế. Nhưng điều đặc biệt nhất khiến tôi kinh ngạc là sự phong phú của màu hoa. Hoa súng trắng tinh khiết mà giản dị. Hoa súng tím dịu dàng như màu áo bà ba thủy chung của một cô thôn nữ miệt vườn. Hoa súng phai e ấp một màu tím nhạt mơ màng rất lãng mạn. Theo lời kể của người dân ở đây, hoa súng là loại thân mềm nhưng có sức sống mạnh mẽ. Gieo mình lặng lẽ trong đất, nhưng khi mùa nước lũ tràn qua, nước vươn cao đến đâu, hoa súng vươn theo tới đó, một biểu tượng cho sức sống của người miền Tây.
Tràm Chim còn được biết đến như một trong những khu Ramsar tại Việt Nam theo công ước Ramsar quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước, với mục đích ngăn chặn quá trình xâm lấn ngày càng gia tăng vào các vùng đất ngập nước cũng như sự mất đi của chúng ở thời điểm hiện nay cũng như trong tương lai, công nhận các chức năng sinh thái học nền tảng của các vùng đất ngập nước và các giá trị giải trí, khoa học, văn hóa và kinh tế của chúng.
Tiến sâu vào trong giữa khu, ta còn dễ dàng bắt gặp một loại lúa cực kì quý hiếm, độc nhất vô nhị trong sách đỏ gọi là LÚA MA. Lúa ma còn gọi lúa trời, hiện nay được bảo tồn ở đây hiện còn khoảng gần 1.000ha. Lúa ma gắn liền với lịch sử khai khẩn đất đai của người dân phương Nam và là nguồn sống quan trọng của cư dân lưu lạc đến mảnh đất “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lền như bánh canh” này từ hàng thế kỷ trước.
Tồn tại trong một môi trường đặc biệt, cây lúa ma có một sức sống kỳ lạ. Lúa ma chịu phèn tốt và đặc biệt có khả năng vượt lũ đặc biệt. Cứ nước lũ dâng đến đâu, lúa vươn cao đến đó. Suốt mùa nước ngập, khi các loại thực vật khác chết sạch thì cây lúa ma vẫn kiêu hãnh vươn lên. Lúa ma có thể vượt độ ngập sâu đến 5m để tồn tại suốt mấy tháng ròng. Nhưng không chỉ tồn tại một cách cam chịu, cây lúa ma còn có thể trổ đòng, ngậm hạt rồi chín. Đây là một trong những nguồn chủ yếu cung cấp thức ăn cho nhiều loài động thực vật trong hệ sinh thái ngập nước của vườn quốc gia.
Lúa ma thường chín vào tháng 12, giữa mùa nước nổi. Mỗi khi chín chỉ chín vài hạt và chỉ chín vào ban đêm (có thể do vậy mà có tên lúa ma). Khi thu hoạch phải dùng xuồng. Dụng cụ thu hoạch không phải là chiếc hái, máy gặt mà là những chiếc nê bồ và sào tre. Người ta dùng nê bồ làm tấm chắn đặt giữa xuồng. Hai bên xuồng cắm 2 cây sào để gạt mạnh các bông lúa vào nê bồ. Hạt lúa ma nhỏ nhưng thơm và có vị ngọt.
Du lịch vào mùa lúa chín có thể sẽ được đi gặt lúa ma, ăn cơm lúa ma, trải nghiệm cuộc sống thường ngày của người dân Tháp Mười. Vòng đời kỳ lạ của cây lúa ma, bắt đầu với những hạt lúa không được thu hoạch sẽ rụng xuống nước. Nhưng nó không chết. Nó tiếp tục vòng luân hồi bằng cách cắm đuôi vào lòng đất và ẩn mình suốt mùa nước lũ. Sau đó là mùa khô hạn. Rồi ngay khi trời mưa xuống, hạt lúa lại bật mầm. Và lại vươn lên vào mùa lũ mới, tiếp tục dòng đời ngoan cường của mình, làm nên sức sống bất diệt của Đồng Tháp Mười…
Vì sao lúa ma có khả năng kỳ diệu như vậy? Chưa ai giải thích điều đó. Chỉ biết, theo các nhà khoa học lúa ma là loại thực vật đặc biệt chỉ còn sót lại vài nơi trên thế giới. Trong đó, loại có thể sống được suốt 2 mùa mưa, khô, chịu ngập lũ hàng thước nước mà vẫn vươn lên, làm đòng, trổ bông thì chỉ có ở Tràm Chim.
Cũng theo các nhà khoa học, Tràm Chim Tháp Mười, là diện tích cuối cùng của lúa ma đúng nghĩa còn lại trên địa bàn Đông Nam Á. Bảo tồn diện tích lúa ma, không chỉ có ý nghĩa bảo tồn nguồn gien. Đi xa hơn, nhiều nhà khoa học cho rằng đây có thể là điểm xuất phát vô cùng quý giá, là cơ sở khoa học để nghiên cứu lai tạo cho ra đời một giống lúa mới. Giống lúa này, biết đâu, có thể sẽ là giống lúa giúp đối mặt với thảm họa biến đổi khí hậu mà Việt Nam, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải chịu tác động nặng nề nhất. Và nếu ý tưởng lãng mạn ấy trở thành hiện thực, cây lúa ma sẽ viết tiếp câu chuyện thần thoại của nó với các thế hệ hôm nay.
Khi chiếc tắc ráng luồn qua những rừng tràm rậm rạp nối dài tít tắp.Du khách như bất chợt lạc vào một thế giới lạ lẫm trong tiếng chim chóc gọi bầy, trong tiếng vỗ cánh chấp chới của đàn cò trắng, đến hàng chục ngàn con, bởi nơi đây vốn được coi là vườn cò lớn nhất Đồng Tháp Mười. Nơi đây như thế giới các loài chim biết tên và không biết tên, mà theo sách vở có đến 231 loài, trong đó 13 loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ, cùng chung sống hòa bình.
Còn theo các nhà khoa học, Tràm Chim là nơi nhiều loại chim sinh sống như ô tác, te vàng, già đãy, ngan cánh trắng, diệc lửa, cồng cộc, bồ nông, giang sen, le le, choi choi, đại bàng đen, các loại cò quắm, cò thìa, cò trắng, cò bợ… Đặc biệt hơn cả là sếu đầu đỏ, thuộc họ hạc, còn gọi là hồng hạc nổi tiếng thế giới, một trong 15 loài hạc quý hiếm đang được đặc biệt bảo vệ.
Được biết, sếu đầu đỏ là loài chim cao nhất thế giới trong các loại chim bay. Sếu có thể cao đến 2m, lông sáng mượt, chân và cổ cao, có đôi cánh dang rộng khi bay. Sếu còn độc đáo bởi tiếng kêu vang xa, có thể từ 2 - 3km nhờ cái khí quản dài như chiếc kèn Prompet.
Theo các tài liệu ghi lại, sếu đầu đỏ là loại chim đã xuất hiện trên trái đất cách nay 60 triệu năm, cùng kỷ với loài bò sát khổng lồ. Đây là loài chim di cư, thường về Tràm Chim vào tháng giêng, tìm bạn tình vào tháng 5. Chọn Tràm Chim vì đây là mô hình sinh thái lý tưởng cho sự trú ngụ của sếu, có nguồn thức ăn sếu rất ưa thích là cây năn kim. Và “đất lành chim đậu”. Sếu đầu đỏ hiện được xem là đặc sản của Tràm Chim Đồng Tháp Mười. Rất tiếc, thời gian gần đây, sếu đầu đỏ về Tràm Chim ngày càng ít đi.
Mỗi chuyến có 30p cho du khách đứng trên lầu vọng cảnh nhìn ngắm vương quốc loài chim và thưởng thức vũ điệu mê hoặc lòng người của sếu đầu đỏ. Trong tiếng tấu nhạc, nửa như kêu nửa như hót đắm đuối của các nhạc công, đàn sếu xếp thành vòng tròn xòe cánh chấp chới bay lên với những điệu múa huyền ảo mà thiên nhiên ban tặng. Khiến người xem như đang lạc bước vào một lễ hội thần thoại ở một thế giới khác và dường như cả trời đất, mây nước, cây cỏ, ánh bình minh của Tràm Chim đều chung chiêng theo vũ điệu hư hư thực thực của các vũ công sếu - những vưu vật của tạo hóa - một bất ngờ thú vị mà không phải chuyến đi nào cũng có thể có được.
Tam Nông – Đồng Tháp như ấm lại bởi con người, bởi phong cảnh nơi đây. Tiếng cá quẫy đuôi dưới nước, tiếng chim hót líu lo, tiếng leng keng của những chiếc xe đạp đến trường, tà áo dài bay phấp phới trong nắng và gió – Tam Nông đang cựa mình hồi sinh. Đến với vườn Quốc gia Tràm Chim, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh của vùng Đồng Tháp Mười, du ngoạn bằng thuyền đến các đài quan sát, các đầm sen súng, đồng năn, từng tràm… để nghe tiếng chim hót trước bình minh, tiếng đớp mồi của nhiều loài cá quyện với hương tràm bát ngát được hít thở không khí trong lành và không gian yên tĩnh, quên đi bao ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống thành thị.
( caravanvn.com )
- 200 món ăn từ sen được xác lập kỉ lục thế giới (22.06.2022)
- Lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ I - năm 2022 (17.06.2022)
- Công dụng của sen (03.06.2022)
- Sen khổng lồ (30.05.2022)
- Hồng sen tửu – đặc sản quê hương Đồng Tháp (26.02.2021)